11/4/16

'Giữ tiền của khách hàng là điều cấm kị'

Trước thực trạng nhiều dự án bất động sản đắp chiếu trong nhiều năm ở cả Hà Nội và TP HCM, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, người mua nhà nên xem cả sơ yếu lý lịch của chủ đầu tư.

Nhiều thượng đế khóc ròng khi đã “bơm” tiền tỷ mua nhà, nhưng dự án phủ rêu, chủ đầu tư ôm tiền bỏ trốn hoặc không hoàn thành đúng cam kết ban đầu.

Đơn cử, Dự án Usilk City Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, hiện chỉ có tòa CT2-105 đang thi công. Các tòa nhà CT3-106, CT3-107 và CT3-108 vẫn dậm chân tại chỗ.  Trong khi đó, tòa CT3-106 và CT3-107 đang xây dựng dở dang đến tầng 4. Những tòa còn lại mới làm móng và đắp chiếu nhiều năm nay.
Hay dự án Sky Garden Tower (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Định Công, trực thuộc Vân Thái Group làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành là quý III/2014, nhưng đến nay dự án đã bị ngừng thi công. Khách hàng không thể tiếp cận được chủ đầu tư để tìm hiểu lý do dự án án binh bất động.
Còn tại TP HCM, không ít dự án cũng đắp chiều từ nhiều năm.
Một cái tên đình đám là 584 Lilama SHB tại số 348 Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú). Dự án này do Công ty Cổ phần khai thác GTVT 584 và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lilama SHB làm chủ đầu tư, dự kiến bàn giao vào cuối năm 2011. Tuy nhiên hiện nay, công trình mới xong phần thô của block 1 và tầng 6 của block 2 thì ngưng thi công.
Một dự án đình đám khác tại TP HCM cũng nổi tiếng vì chậm tiến độ là PetroVietnam Landmark. Đây là tổ hợp chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng... tọa lạc ở phường An Phú, quận 2. Dự kiến được bàn giao vào quý IV/2012, nhưng đến nay, dự án này vẫn còn ngổn ngang, dù khách hàng có người đã đóng hết tiền. 
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho hay, dù chưa có số liệu thống kê, nhưng các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu ra ít nhất 3-4 dự án hiện đang “đắp chiếu chờ chết”.


Theo ông Võ, có ít nhất 2 nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên.
Thứ nhất, vào khoảng thời gian thị trường bất động sản “nóng”, nguồn cung thiếu, chủ đầu tư đã vận dụng cơ chế mua bán nhà trên giấy, tức là việc mua bán hoàn toàn dựa vào hợp đồng giữa chủ đầu tư và khách hàng.
“Những chủ đầu tư tử tế, muốn làm ăn lâu dài sẽ thực hiện đúng như hợp đồng đó còn những chủ đầu tư có ý đồ chộp giật sẽ ôm tiền bỏ trốn. Tôi cho rằng đó là một hình thức ăn cắp. Cầm tiền của người ta rồi không thực hiện cam kết của mình mà bỏ trốn thì là hành vi ăn cắp”, GS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm. 
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến các chủ đầu tư “dễ dàng” ôm tiền bỏ trốn là do việc quản lý lỏng lẻo.
Ông phân tích, nhiều dự án thậm chí đất chưa được giao, nhưng chủ đầu tư đã quảng cáo rầm rộ để huy động tiền của dân. Có dự án đất được giao nhưng chưa khởi công, chưa có hạ tầng đã rao bán, huy động tiền của khách hàng trong khi luật quy định phải sau hạ tầng mới được thực hiện. Thậm chí có cả những dự án dù xong hạ tầng rồi nhà đầu tư vẫn bỏ trốn vì nhiều lý do khác nhau.
Chúng ta đã thừa nhận các quy định theo luật nhà ở 2005 là lỏng lẻo đối với các dự án bất động sản hình thành trong tương lai. Bởi vậy, luật kinh doanh bất động sản năm 2014 mới bổ sung cơ chế phải có một tổ chức tín dụng làm nhiệm vụ bảo lãnh, đền tiền cho khách hàng trong trường hợp nhà đầu tư bỏ trốn.
Thế nhưng, theo ông, hiếm có tổ chức tín dụng hay ngân hàng nào hứng thú với việc đó trừ khi họ biết nhà đầu tư có danh tiếng, biết phấn đấu vì thương hiệu tương lai, không bao giờ vay kiểu chộp giật.
"Nói cách khác, chủ đầu tư phải như người bạn thân thiết của ngân hàng thì họ mới làm. Do vậy dù luật có quy định, việc đi vào thực tế của quy định đó vẫn khá yếu ớt, không mấy tổ chức tín dụng đứng ra làm việc đó. Một số tổ chức tín dụng cũng đứng ra làm, nhưng chủ yếu là do mối quan hệ thân thiết giữa họ và chủ đầu tư”, ông nhận định.
Từ những phân tích trên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng Luật bất động sản 2014 cũng chưa đưa ra được giải pháp hợp lý để ngăn chặn thực trạng trên.
Do vậy, khi chủ đầu tư ôm tiền bỏ trốn, khách hàng chỉ biết kêu trời, chờ các cơ quan điều tra vào cuộc, truy bắt và xử lý theo pháp luật hình sự.
Để hạn chế rủi ro khi mua nhà, ông Đặng Hùng Võ khuyến cáo, khách hàng chỉ nên tin tưởng vào các dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư phải hoàn thành xong hạ tầng, hợp đồng mua bán phải chuẩn theo mẫu hướng dẫn thi hành luật kinh doanh bất động sản….
“Trước khi mua nhà, người dân cần tìm hiểu thật kỹ dự án đó rồi hãy bỏ tiền vào. Cần tìm hiểu kỹ ý định của chủ đầu tư dự án, thậm chí cả sơ yếu lý lịch của họ từ hồi học THPT tới khi trưởng thành xem có tiền án, tiền sự gì không?... Đó là những thứ để đánh giá phần nào chủ đầu tư tốt hay không tốt”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét